Gác Chuông Chùa Hương – điểm đến không thể bỏ lỡ

Nói đến gác chuông chùa Việt Nam nhiều nơi cổ nhân xưa kia thường xây dựng ở Hà Tây (nay là Hà Nội) những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Thầy, chùa Mía, chùa Trăm Gian, chùa Đậu, chùa Bối Khê,…vv.

Trải qua mấy thế kỷ sớm muộn khác nhau đến nay vẫn còn giữ được gác chuông, cổ nhân quan niệm: trong âm thanh của bộ gõ tiếng chuông chùa có sức nhiệm màu, người nghe được tiếng chuông chùa như được thức tỉnh giảm bớt được sự u mê gọi hồn, hướng tới sự giác ngộ. Tiếng chuông chùa gợi bình yên và vang vọng vì được treo trên công trình kiến trúc đặc biệt cao và thoáng nên vang và bay xa. Tiếng chuông ở chùa Hương là như vậy, cũng vì kiến trúc đặc trưng.

Tuy nhiên không phải gác chuông chùa nào cũng được xây dựng theo một khuôn mẫu, một mô típ giống nhau. Người xưa làm chùa tập trung nhất vào việc xây dựng toà Tam Bảo rồi đến Ðại Bái. Quả chuông có khi được treo trên Tam Quan hoặc một bên trái của Đại Bái. Chùa Thầy xây dựng công phu nhưng gác chuông chỉ đặt vào vị trí khiêm nhường sau Tam bảo với nhà Tổ và chiều cao được tận dụng bởi các bức tường che khuôn viên nội tự.

Chùa Mía gác chuông còn được đặt trước cổng và cấu trúc phần gác “lầu” không được chú trọng so với tổng thể kiến trúc. Nói như vậy để thấy được nét đặc trưng của gác chuông chùa Hương – một hạng mục kiển trúc được quan tâm. Chúng tôi chưa có trong tay tư liệu gác chuông chùa Hương, trước năm 1947 đã bị tàn phá trong chiến tranh chống Pháp. Sự tiếp cận này là hiện diện gác chuông được phục dựng năm 1982 – 1985.

Vào những năm ấy cố Hoà thượng Thích Thanh Chân, cố Thượng toạ Thích Viên Thành, cố trưởng ty văn hoá Hà Tây Ông Hà Kỉnh có nhiều cuộc gặp gỡ trao đổi Nhà Chùa cho biết địa điểm gác chuông xưa chính là ở vị trí phục dựng . Đó là một thế đất đẹp nằm ở trung tâm đường thần đạo. Cổng Nam Thiên – Gác Chuông – Tam Bảo – Nhà Tổ. Các công trình nhà oản, nhà tương, nhà ở của chư tăng, nhà khách nằm đối xứng hai bên.

Theo thuyết phong thuỷ, Thiên Trù (Bếp Trời) xung quanh có ba ngọn núi như các đầu rau chầu vào sân Thiên Trù. Thế đất cao dần từ bến đò, thung Phò Mã đến cổng Nam Thiên Môn, lớp cắt địa tầng bỗng đột ngột ngang đầu và ngẩng lên lồng lộng gác chuông. Toàn cảnh Thiên Trù sau hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ dần dần dãy dọc toà ngang đã được khôi phục. Lên cao nhìn xuống toàn cảnh thiên trù tựa như một bông hoa lớn cánh đơn cánh kép bao bọc lấy cái nhuỵ chính là gác chuông. Chẳng phải sự đắc địa dành riêng cho gác chuông mà cái ưu thế làm nổi trội gác chuông chính là sự trùng tu có bài bản và hạng mục kiến trúc này còn giữ được nét kiến trúc độc đáo ở thế kỷ XVlll của Việt Nam.

Sự độc đáo của Gác Chuông chùa Hương là ở chỗ sử dụng hệ thống cột chống đỡ toàn bộ công trình không cần tường xây hai phía hoặc bốn phía như một số gác chuông khác. Gác Chuông chùa Hương gồm bốn hàng chân gỗ với 16 cột và 4 cột cái là trung tâm chịu lực được bố trí cách đều ngang dọc thành khung vuông cao 6 mét chu vi 1,40 mét để từ đó toả ra 4 phía có rường cụt nối với cột quân.

Nhìn bên ngoài, Gác Chuông chùa Hương hiển hiện 3 tầng với 12 mái chính và 8 mái phụ. Các gác chuông khác thường chỉ có hai tầng 8 mái. Hai tầng cổ diêm để thông thoáng cả bốn phía. Các mái đều được lợp bằng ngói ri cổ. Ðáng chú ý các đầu đao (gờm 12 đầu đao) đều được nghệ nhân làm thành từng cặp đăng đối nhau. Quan sát kỹ trên mỗi đầu đao, dọc theo bờ chảy, mô típ tứ linh được sử dụng rất tài hoa. Cong vút ở đầu đao là đầu rồng, miệng phun nước, mặt rồng hướng lên bờ nóc. Tiếp đó là chim phượng, mặt hướng vào đầu rồng theo thế long quài phượng mớm. Ðó chính là sự hoà hợp âm dương trong vũ trụ. Bởi lẽ tâm thức của người Việt có con rồng – mây nước – cứu tinh của cư dân nông nghiệp – biểu hiện của tính dương và con phượng – mày ngài, mắt chim 1 mỏ thú có cách biểu hiện sức mạnh vũ trụ mang âm tính được thể hiện khá cân xứng. Tiếp theo hình tượng rồng – phượng là kìm và nghê. Thông thường những hình tượng này thường bắt gặp ở toà thiêu hương các đình làng song đối với gác chuông chùa Hương sự sáng tạo là ở chỗ độ dốc của bờ chảy không lớn so với các toà thiêu hương đình làng hoặc gác chuông các chùa khác.

Ðộ dốc, độ chảy của gác chuông chùa Hương không lớn, không rõ nét được các đầu đao uốn cong và đua ra phủ kín, nền tạo thành lớp lớp trùng diệp, trông như một bông hoa sen cách điệu. Bên trong nội thất gác chuông phần điêu khắc thiên về bền chắc chủ yếu là bào trơn đóng bén. Ðể tạo ra chiều cao của các tầng tháp, cổ nhân đã lợi dụng hình thức các cột chống đứng trên rường cụt. Các chi tiết kiến trúc này được tạo tác với tỷ lệ cân đối cho nên điêu khắc ít mà nhìn không thô. Hoa văn sử dụng trong các bức cốn là hoa văn lá lật đã góp phần làm dịu sự nặng nề của các cấu kiện gỗ. Ðứng trong gác chuông nhìn ngược lên nhìn rõ quả chuông đồng thời Nguyễn, nhìn rõ ba tầng mái phải là biểu tượng của Phật – Pháp – Tăng che chở cho phật tử đến hành hương. Ðứng trong gác chuông nhìn được cả bốn hướng nhưng tầng thượng lại có thêm bốn mái nhỏ, phải chăng đó là sự triết lý 4 phương 8 hướng của triết học phương Ðông mà cổ nhân đã vận dụng sáng tạo vào công trình này.

Sự độc đáo của kiến trức và vị trí đắc địa lại thêm cảnh quan thiên nhiên tô điểm bổ trợ đã làm cho gác chuông chùa Hương có vẻ đẹp lộng lẫy và trang nghiêm. Ðó là một trong những công trình độc đáo của quần thể di tích – danh thắng Hương Sơn.

Bài viết liên quan