Tìm trong vốn cổ Lễ hội chùa Hương

Ở Việt Nam, ít ai lại không biết đến lễ hội chùa Hương. Ðây là một lễ hội có phạm vi rộng nhất, thời gian dài nhất và lượng người đến hành lễ nhiều nhất. Ðối tượng hành lễ là các tín đồ Phật tử, người dân lao động, người buôn bán, thanh thiếu niên và cả khách nước ngoài. Bài viết này, tiếp cận dưới giác độ Nhân học văn hoá, đi từ lễ hội đương đại lần về lịch đại để bóc tách các lớp văn hoá Phật giáo đan xen với văn hoá tín ngường dân gian trên nền bức tranh văn hoá Phật giáo Việt Nam.

le hoi chua huong

Hằng năm, đến ngày mùng 6 tháng Giêng, Nhà chùa cùng dân làng Yến Vỹ phối hợp với sở văn hóa Hà Tây, Uỷ ban nhân dân huyện Mỹ Ðức và Ban quản lý di tích thắng cảnh Hương sơn tổ chức mở hội chùa Hương. Vào ngày này, lễ hội gồm có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ là những lễ thức liên quan đến cúng tế ở Đền Trình ( Ngũ Nhạc ) và chùa Thiên Trù, phần hội có múa tứ linh, hát chèo, hát trầu văn, kể hạnh,…v.v là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian hết sức sinh động. Du khách trẩy hội chùa Hương ngoài đi lễ Phật còn kết hợp tham quan du lịch. Các Phật tử từ khắp mọi miền đất nước đã về chiêm bái cảnh phật Hương Sơn, không phân biệt tuổi tác, địa vị, dân tộc, tôn giáo hay quốc gia. Bởi vậy, lượng người đến lễ chùa Hương mỗi năm một đông và thời gian lễ hội không chỉ bó hẹp trong 3 tháng xuân mà các tháng còn lại trong năm vẫn có người đến hành lễ.

 1. Từ lễ khai sơn đến lễ hội chùa Hương

Xưa hội chùa Hương thường mở sau ngày lễ hội khai sơn ( Mở cửa rừng ) của hai làng Yến Vĩ và Yên Bình vào ngày mùng 6 tháng giêng, làng Yến Vĩ làm lễ khai sơn tại đền ngũ nhạc, thờ sơn thần là ông hổ thần – một tín ngưỡng thờ vật thiêng của cư dân vốn làm nghề khai thác lâm sản, sau dần sang cả cư dân làm canh tác nông nghiệp, mà nay ta thường thấy dưới hạ ban trong đền, điện, phủ có thờ Quan Ngũ Dinh (Quan Ngũ Hổ). Trải qua các lớp thời gian, đền Ngũ Nhạc từ tín ngưỡng thờ vật thiêng đã “cấy vào” một vị nhân thần có tên là Hùng Lang, con ông Hùng An – một vị tướng thời Hùng Vương có công dẹp giặc Ân, trừ bạo cho nước. Còn làng Yên Bình làm lễ mở cửa rừng ở Đền Hạ cũng thờ sơn thần. Lễ khai sơn vốn là nghi lễ nông nghiệp của người Việt cổ tạ thần núi, tạ bà Chúa rừng (Chúa Sơn Lâm) mong trong năm làm ăn may mắn tránh được ma tà, thú dữ.

Trong ngày lễ này, mâm lễ của làng Yến Vỹ, ngoài trầu cau, rượu, tiền vàng, xôi còn có một thủ lợn cạo sạch, để sống, còn mâm lễ làng Yên Bình là con chó đen được thui vàng tiến lễ Sơn thần (thần núi). Sau những nghi thức cúng lễ, mỗi làng cử một bô lão có uy tín trong làng, gia đình song toàn, nhà không có tang,… thay mặt dân làng cầm dao đi ra phía sau đền, chặt một số cành cây, dây leo “lấy phép”. Kể từ ngày hôm đó người dân mới chính thức vào rừng. Và dĩ nhiên, lễ hội chùa Hương phải sau ngày rằm tháng Giêng mới có người đến chấp lễ.

Do sự thay đổi về địa lý, Đền Trình chùa Hương trước đây ở làng Ðục Khê vốn thờ thủy thần của cư dân thuyền chài trên sông Ðáy đã rước chân nhang về thờ tại đền Ngũ Nhạc và lấy tên gọi là Đền Trình. Ngày lễ Khai sơn mùng sáu tháng giêng đã bao hàm thêm một ý nghĩa mới là ngày mở cửa chùa – khai hội chùa Hương và giữ nguyên cho đến ngày nay.

2. Lễ hội chùa Hương gắn liền với lễ hội nông nghiệp

Có thể nói hầu hết các công trình kiến trúc Phật Giáo ở đồng bằng Bắc Bộ nói chung và các di tích trong quần thể chùa Hương nói riêng ít nhiều chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, như về thuyết phong thuỷ, tế lễ các mô típ trang trí tứ linh (long, ly, quy, phượng), đặc biệt là hình ảnh rồng chầu mặt trời trên bớ nóc các công trình kiến trúc. Từ xưa người Việt cổ đã tiếp nhận văn hoá Trung Hoa rồi tinh lọc thành văn hoá Ðại Việt, bằng cách lược bỏ những chi tiết mang triết lý cao siêu mà thay vào đó là những ý nghĩa giản đơn phù hợp với tư duy của người nông dân, gắn liền với cuộc sống của họ. Con rồng từ ý nghĩa là Thiên tử chuyển sang Thần quyền rồi trở thành con vật thiêng cung cấp nguồn nước cho cư dân làm nông nghiệp, như rồng phun mưa, rồng vờn mây, rồng nhả ngọc… Ngoài ra, rồng còn mang ý nghĩa là phồn thực rồng ổ, với các mô típ trang trí trên các ván bưng ở nhà Tiền đường (chùa Tự Khoát, Thanh Trì, Hà Nội) và phổ biến hơn cả là ở các ngôi đình làng.

Sự hấp dẫn của chùa Hương không chỉ ở bề ngoài mà còn cả ở bên trong. Đó là những di tích hang động, như động Tiên Sơn, Hồng Sơn, Trú Quân, Tuyết Sơn, Cây Khế, Hương Tích,…vv bên trong có nhiều nhũ đá với những dáng hình tuyệt mỹ mà tạo hoá phải thầm lặng hàng triệu năm bồi hoàn mới thành khối, thành hình để khách hành hương thoả lòng chiêm ngưỡng, liên tưởng, suy luận và cầu mong mọi sự tốt lành đến với mình.

Những tên gọi dân giã như: núi Mâm Xôi, Con Gà, Thiên Trù (Bếp Trời), Đụn Gạo, Cây Vàng, Cây Bạc, Nong Tằm Né Kén (động Hương Tích) là người nông dân muốn gửi gắm vào thần linh, nhắc nhở thần linh làm những “phép thuật” nhiệm màu cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, người an, vật thịnh.

3. Lễ hội chùa Hương gắn liền với tin ngưỡng dân gian

Trong tâm thức của người đi lễ, Hương Sơn là đất Phật. Với một quần thể di tích chùa tháp, chùa hang rất đa dạng. Mỗi ngôi chùa đều ghi lại dấu ấn văn hoá, dấu ấn lịch sử và cả huyền thoại về bà Chúa Ba hóa thân thành Bồ Tát Quán Thế Âm để cứu khổ, cứu nạn cho tất thảy chúng sinh. Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã có sự “tương thích” với tín ngưỡng mẫu hệ để tồn tại và phát triển mà hệ thống thờ tứ pháp ở khu vực chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh là một ví dụ. Ở Ấn Độ, Bồ Tát Quan Thế Âm là nam giới, sang Việt Nam lại trở thành nữ giới, vì người Việt vốn tôn sùng thờ nữ thần nên tôn giáo nào muốn du nhập phải hoà đồng vào văn hoá của dân tộc đó. Với chùa Hương, tuyến Thiên Trù động Hương Tích cũng cho ta thấy sự giao thoa văn hoá giữa Phật giáo với tín ngưỡng bản địa rất sinh động mà điển hình là sự tích bà chúa Ba đến am Phật Tích, suối Giải Oan gột rửa nỗi oan ức bụi trần, trước khi Bà hoá thân trở thành Bồ Tát. Câu chuyện về bà Chúa Ba là câu chuyện nhà Phật sáng tác dựa trên các kinh điển của Phật giáo (Kinh Jataka và Kinh Pháp Hoa). Hình tượng bà Chúa Ba tạc bằng đá xanh vào triều Tây Sơn (1793) tôn thờ tại động Hương Tích là biểu tượng đẹp đẽ của sự chân tu giữ đạo cứu đời và trở thành hình tượng gần gũi, thân thương, cảm thông sâu sắc với chúng sinh.

4. Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hoá dân tộc

Ở Việt Nam chỉ có chùa Hương và Bích Ðộng (Ninh Bình) có cuộc hành trình đi bằng đò, thuyền trên suối vào nơi bồng lai, tiên cảnh thắp hương lễ Phật. Sự khoan thai của mái chèo đưa con thuyền lướt nhẹ trên mặt nước gợi cho ta nhớ về cội nguồn văn hoá thuyền của người Việt cổ xa xưa đã dùng thuyền làm phương tiện đi lại và hành nghề đánh bắt cá trên sông. Nay con thuyền trên dòng suối Yến không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là con thuyền “Bát Nhã” trở các thiện nam, tín nữ đến với cõi Phật khai mở trí tuệ hướng lòng người đến với thiện tâm. Ngồi trên thuyền ngắm cảnh núi non, cảnh thuyền ra vào tấp nập, mọi người không quen nhau cũng thưa lời chào hỏi: ” A Di Ðà Phật ” và kể hạnh ” Sự tích bà Chúa Ba ” tạo ra sắc thái riêng của lễ hội chùa Hương.

Duyên may cho ai đi lễ chùa Hương vào ngày khai hội mùng 6 tháng giêng sẽ được thỏa mình chiêm ngưỡng cảnh múa rồng, phượng, rùa, lân của các bậc thượng võ làng Yến vĩ, Đục Khê, Hội Xá, Phú Yên,…. biểu diễn múa rồng trên thuyền đi từ Đền Trình trên suối Yến vào chùa Thiên Trù thật ngoạn mục. Tiết mục múa rồng không chỉ mang ý nghĩa tăng thêm phần không khí cho ngày hội mà thực chất tái hiện lại cảnh giao hòa giữa trời (rồng) và đất (con người), giữa âm (Rùa) và dương (Phượng), giữa núi (Lân) và nước (Rồng) là nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa –  một tín ngưỡng cầu mưa của cư dân canh tác nông nghiệp của các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á.

Rời Thiên Trù, du khách hoà mình vào núi non, vãng cảnh chùa bắt đầu một cuộc đăng trình lên núi. Leo núi chơi hang, thăm động là nét sinh hoạt văn hóa rất cổ nay còn diễn ra ở một số dân tộc như người Mường ở Hoà Bình, Thanh Hoá; người Thái ở Nghệ An; người Tày ở Thái Nguyên, Lạng Sơn,… Du khách nâng bước chân nhẹ nhàng trên những phiến đá xanh, tay chống gậy trúc leo núi để đến với sự kỳ vọng chiêm ngưỡng cái đẹp của tạo hoá trong động Hương Tích và thỏa mình ngắm nhìn các pho tượng Phật, Bồ Tát đã ăn sâu trong tiềm thức văn hoá của người Việt. Du khách đến chùa Hương ngoài lễ Phật, ngắm cảnh thiên nhiên còn được thưởng thức các làn điệu hát chèo đò kể hạnh của các sư, vãi ở các ngôi chùa làng đồng bằng Bắc Bộ đến vui hội chùa Hương. Sự giao lưu văn hoá giữa các vùng miền, giữa các tín đồ Phật tử tạo thành bản sắc văn hoá Phật giáo riêng Việt Nam.

Ði lễ chùa Hương, du khách được cảm nhận vẻ đẹp của dòng suối Yến, núi rừng, các công trình kiến trúc Phật giáo, tăng thêm sự hiểu biết về giá trị văn hoá của thời kỳ đồ đá, văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn qua các di chỉ khảo cổ học đã được khai quật ở trong quần thể di tích chùa Hương. Ðược ngắm nhìn những trang sử khắc trên bia đá lưu truyền cho hậu thế, những ngôi bảo tháp của các bậc thiền sư ẩn hiện dưới mái chùa cổ kính càng tăng thêm vẻ đẹp huyền diệu của chốn bồng lai tiên cảnh. Thưởng thức các món ăn đặc sản của núi rừng như chè củ mài, mua rau sắng, quả mơ, các vị thuốc nam của cư dân bản địa mang về nhà chữa bệnh và nhất là mua cây cảnh với quan niệm hái lộc đầu năm,…vv.

5. Nền kinh tế thị trường tác động đến lễ hội chùa Hương

Trước năm 1975, hội chùa Hương mới chỉ trong phạm vi vùng miền, các vị bô lão nói ” Hội chùa tự mở và tự đóng “. Trong vòng hơn 20 năm trở lại đây và nhất là từ khi nền kinh tế thị trường xuất hiện, kinh tế tư nhân pháp triển, cuộc sống của người dân có phần sung túc. Cộng với sự quan tâm của nhà nước về vấn đề tín ngưỡng tôn giáo nên tâm lý của khách hành hương được thỏa mái. Họ thường đi lễ hội thành từng đoàn do một trưởng đoàn đứng ra tổ chức từ A đến Z hoặc cá nhân đi xe máy, xe đạp, hay ô tô công cộng rất thuận lợi, với mức chi phí đạm bạc. Tinh thần phục vụ của ban tổ chức lễ hội từ việc bán vé, sắp xếp đò, an ninh trật tự … đến nơi ăn nghỉ rất chu đáo cũng góp phần không nhỏ đến sự thành công của lễ hội. Bởi vậy khách đi hội chùa Hương mỗi năm một đông và sau khi đi lễ về tâm hồn họ sảng khoái, chuyên tâm vào sản xuất, tích lũy kinh tế để mùa xuân tới lại hành hương về đất Phật, núi thiêng với bao kỳ vọng ở phía trước.

Với những yếu tố đã được phân tích như trên, lễ hội chùa Hương không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo mà còn là điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho tất cả công chúng. Ðến với lễ hội chùa Hương, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp huyền diệu của sông nước, bao la của trời đất, hùng vĩ của núi rừng, huyền bí của hang động, ngời sáng của cổ tháp, đa dạng về văn hoá. Cảnh đẹp, hội vui không chỉ hấp dẫn người trần, còn làm say lòng Phật, Thánh, để rồi bao nhiêu điểm vân du, Bà Chúa Ba đã thả hồn mình về cõi tịnh độ rồi lại hóa thân thành Bồ Tát để cứu giúp cho muôn dân, mở rộng vòng tay vẫy chào du khách đến chiêm bái một kho tàng di sản văn hoá của dân tộc đang được nâng niu gìn giữ cho muôn đời sau.

(Nguồn: chuahuong.info.vn – Tác giả: Vũ Hồng Thuật)

Để được tư vấn và đặt dịch vụ tại chùa Hương, Quý khách vui lòng gọi điện vào số điện thoại dưới đây

024 6670 8683 hoặc 0968 742 813

Chúng tôi cung cấp các dịch vụ tại chùa Hương
Tour chùa Hương – Tam Chúc hàng ngày  |  Nhà nghỉ  |  Khách sạn
Nhà hàng  |  Đò thuyền  |  Đặt đồ lễ  |  Viết sớ chữ nho

 

Bài viết liên quan