Tháp Chân Tịnh – Một công trình kiến trúc độc đáo ở Hương Sơn

Trong “lời tự sự”, đã có lần cố Thượng tọa Thích viên Thành viết: “… Ðến tháng 5 năm Tân tỵ (1965) tôi rời khỏi chùa Cao Lá về chùa Pháp Tràng Phật ấn, làng Văn Quán thị xã Hà Ðông, từ đây tôi được gặp Hòa thượng Thích Thanh Chân, động chủ Hương Sơn. Lúc dó Ngài là chi hội trưởng Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Tây.

Ngài nói với Hòa thượng Tắc Nhẫn rồi đưa tôi về Hương Sơn ngày đêm học đạo”. Cuối năm 1985, tốt nghiệp ra trường lại được trở về với cảnh suối Yến, rừng mai. Năm 1989, Tôn sư tôi quẩy dép về Tây Trúc, tôi được giao kế đăng trụ trì khu vực thắng cảnh chùa Hương. Kể từ đó, tôi tận tâm kiệt lực trùng hưng Tam bảo, hoằng dương Phật pháp, tham gia gánh vác sứ mệnh của Giáo hội, dịch kinh, viết sách, tiếp chúng độ người, phụng sự Tam bảo, trợ giúp các Hòa thượng Tôn đức danh Tăng, việc đạo, việc đời, không lúc nào giám ngơi nghỉ.

Những tưởng Thượng tọa còn trụ thế lâu dài, nào ngờ ngày 20 tháng 4 năm Nhâm Ngọ (ngày 31/5/2002) Thượng tọa thuận lẽ vô thường, trả tấm thân tứ đại lại cho trần gian trở về cõi Tây phương cực lạc để sơn môn, pháp quyến, bạn bè, Phật tử niềm đau thương, nhớ tiếc.

Theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, để báo đáp thâm ân Tôn sư của hàng pháp tử trong sơn môn cũng như của Phật tử đối với cố Thượng tọa trụ trì, Ðại đức Thích Minh Hiền và Phật tử kiến trúc sư Tuệ Minh đã d

ày công nghiên cứu lập hồ sơ thiết kế, khảo sát địa tầng, chuẩn bị nguyên vật liệu, nhân lực thi công,… để xây dựng tháp Chân Tịnh làm nơi an nghỉ của cố Thượng tọa. 

Như chúng ta đã biết, ở Việt Nam đa số chùa đều có tháp, vườn tháp. Ngoài ý nghĩa tháp mang ý nghĩa tương đồng với Phật điện (tháp nhiều tầng từ 7 đến 13 Tầng) Tháp, Vườn Tháp ở các chùa làng, chùa tổng, chùa vùng là nơi theo Kinh Kim Quang Minh 4 (Phẩm xả thân) ghi rằng ” tháp là nơi đặt Xá lợi (Sarira: Thân, thân cốt, di thân) là vật được huân tu bởi Giới – Ðịnh – Tuệ rất Hiếm có được, ( Diễn văn tu bổ hai pho tượng tổ chùa Ðậu – Ðại đức Thích Minh Hiền, ngày 29/11/2003). Tháp theo quan niệm dân gian là nơi an nghỉ của vị sư trụ trì viên tịch và chúng ta thường gặp trong vườn tháp các chùa làng có từ 1 đến 5 tầng và thường được xây bằng gạch nung và đá.

Nhìn phối cảnh tổng thể khu Thiên Trù sau khoảng 300 năm xây dựng và tôn tạo (từ thế kỷ thứ XVII đến nay) hiện diện có ba khu vực Tháp đó là Thiên Thủy Tháp ở cạnh nhà Tổ, “Viên công bảo Tháp” (Vườn tháp này có 7 ngọn tháp), ở bên trái Tam bảo có vườn tháp gồm ba ngọn là Thịnh Kỳ tháp, Hương Quỳnh tháp và Kim Sơn Tháp. Hiện Tại, Ở bên phải Tam bảo, phía dưới “Viên Công bảo tháp” đăng đối với Thịnh Kỳ tháp có một khoảng đất rộng. Khi Thượng tọa Thích Viên Thành viên tịch, Ðại đức Thích Minh Hiền cùng sơn môn Phật tử đã chọn để xây dựng tháp của cố Thượng tọa tại đây và đặt tên là bảo tháp Chân – Tịnh.

Được sự chấp thuận của Bộ văn hóa thông tin tại công văn số 4743 – VHTT/BTBT ngày 17/10/2002 và công văn số 3528/CV-UB-VX ngày 25/10/2002 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây, Sở văn hóa thông tin Hà Tây (nay là Hà Nội) nhất trí cho phép xây dựng như hồ sơ thiết kế tháp Chân – Tịnh.

Công việc thi công đã được nhà chùa khởi dựng và hoàn thiện trong suốt chín mươi ngày liền, đúng vào ngày lễ Tiểu tưởng cố Thượng tọa. Ngày nay, du khách đến chùa Hương sẽ được chiêm bái một công trình kiến trúc mới: tháp Chân – Tịnh. Ðây là một ngọn tháp độc đáo – kiên cố – thanh – thoát hoàn toàn bằng đá xanh !

Căn cứ vào thiết kế kiến trúc, những nghệ nhân ở Hoa Lư, Ninh Bình đã chế tác các phiến đá theo phương thức cổ truyền với cấu trúc tháp ba tầng mái cao 8,50 mét mà chỉ có 53 phiến đá lớn nhỏ. Ðá được khai thác và sơ chế từ núi Nhồi (tỉnh Thanh Hóa) rồi vận chuyển về Hương Sơn, có viên đá nặng tới 2,5 tấn. Ðá được chuyển đến bến Trò lại chuyển tiếp lên Thiên Trù.

Do đặc điểm địa hình ở Hương Sơn, việc vận chuyển phải làm bằng phương pháp thủ công, dùng sức người đưa các phiến đá qua suối sâu, núi cao. Như được trợ giúp bởi phép Phật nhiệm mầu, hàng trăm tấn được chuyển an toàn về địa điểm xây dựng. Việc thi công tháp cũng theo phương pháp cổ truyền: các viên đá lớn nhỏ dều được chế tác có mộng, cá khi lắp ráp là chồng khít lên nhau, không dùng vôi vữa.

Nhìn tổng thể vườn tháp, tháp Chân – Tịnh mặt bằng được cấu trúc theo kiểu chữ Phẩm. Phía trước tháp có sân lát đá. Tại đây có hương án thờ bằng đá chạm nổi hoa văn Phật giáo và hai cây đèn cửu phẩm cũng bằng đá. Sau án thờ là Tháp. Tháp được lắp đặt bằng những phiến đá lớn, bốn mặt đều chạm nổi hoa văn “kim Cương Luân”. Theo Phật học, “Kim Cương Luân văn” mang ý nghĩa sức mạnh trí tuệ, sự kiên định và rắn chắc như kim cương. Tầng hai của tháp là nơi đặc biệt quan trọng nơi thờ phụng đặt bài vị thờ cố Thượng tọa Thích Viên Thành, vị sư trụ trì đời thứ 11 của sơn môn Hương Tích. Tầng này bốn mặt đều chạm nổi câu đối ca ngợi công đức ân sư nơi cảnh Phật.

“Thành đại nguyện tướng ưng Tam mật
Viên quang tâm chân tính Nhị đề ”
“Cam lộ thủy thuần chiêm Yến mạch
Ðà la ni họa ấm Thiên Trù “

Tô điểm xung quanh tầng thờ này là hoa văn “Bát cát tường” được bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đương thời chạm nổi rất tài hoa. Tầng trên cùng là đỉnh tháp được cấu trúc cũng bằng đá liền khối, mang hình tượng Ngũ đại duyên khởi Mật giáo. Thiết kế kiến trúc ở đây là sự kết hợp hài hòa và hợp lý của các tầng mái. Mái tháp tuân thủ theo phương thức kiến trúc Phật giáo kiểu mái dấu. Ðó là loại mái được đưa ra vừa phải để tạo được nét cong hợp lý và tuân thủ tạo độ cao vút cho tổng thể công trình.

Bao quanh vườn tháp là lan can cũng được làm bằng đá xanh. Có thể nói đây là ngọn tháp duy nhất trong hệ thống tháp chùa ở tỉnh Hà Tây được xây dựng hoàn toàn bằng đá từ xưa đến nay.  Ý tưởng thiết kế của công trình này tuân thủ mô thức kiến trúc tháp Phật giáo nhưng đã hòa nhập và còn tô bồi cho cảnh quan kiến trúc khu vực Thiên Trù nói riêng và quần thể danh thắng chùa Hương nói chung. Trông lên tháp Chân Tịnh lại nhớ bóng người xưa pháp thân lồng lộng nơi Hương Sơn chốn Tổ. Dẫu Thượng tọa đã đi vào lăng nghiêm đại định nhưng núi rừng Hương Sơn còn mãi bóng người.

Ðặng Bằng – Sở VHTT Hà Tây: Thượng tuần tháng Chạp Quý Mùi

Để được tư vấn đặt dịch vụ tại chùa Hương, Quý khách vui lòng gọi điện vào số điện thoại dưới đây

024 6670 8683 hoặc 0968 742 813

Chúng tôi cung cấp các dịch vụ tại chùa Hương
Tour chùa Hương – Tam Chúc hàng ngày  |  Nhà nghỉ  |  Khách sạn
Nhà hàng  |  Đò thuyền  |  Đặt đồ lễ  |  Viết sớ chữ nho

 

Bài viết liên quan