1. Xem bói toán thể hiện sự khát khao hạnh phúc của con người
Bói toán đã có mặt từ rất lâu trước khi đạo Phật ra đời. Chúng ta xem lại lịch sử Phật giáo, khi Thái Tử ra đời, vua cha đã cho mời A Tư Đà xem tướng cho Ngài. Và trong các triều đại phong kiến, các bậc vua chúa, quan thần cũng xem chiêm tinh để dự đoán cho vận mệnh của quốc gia hay của một trận chiến. Vì thế, bói toán đã ăn sâu vào tâm huyết của mọi người.
Các hình thái của bói toán phổ biến hiện nay gồm: bói bài, tướng số, tử vi, phong thủy, xin sâm, xem chỉ tay.
2. Những điều cần biết trong thuật bói toán
Vì sao gọi là thuật bói toán? Bởi những hình thức của bói toán đều dựa trên những nguyên lý khoa học, hiển nhiên của vũ trụ để tiên đoán
Bói bài
Trong vô vàn quy luật của vũ trụ có tồn tại luật hấp dẫn, đây chính là tác động của chúng ta và vũ trụ này. Luật hấp dẫn vận động như sau: Khi chúng ta khởi một ý niệm tốt xấu, thiện ác nó sẽ tạo ra năng lượng truyền tải vào vũ trụ và sẽ vũ trụ sẽ tác động tương đương. Điều này không thể thấy bằng mắt thường hay lý giải bằng khoa học được, nên gọi đó là tâm lý.
Một con người hay buồn thì dễ gặp những người làm phiền và những chuyện bất như ý cứ xảy ra. Chúng ta lại càng chán nản, không muốn thì lại gặp thường xuyên hơn. Một người vui vẻ, hạnh phúc, chia sẻ giúp đỡ sẽ tác động năng lượng tích cực nên tương lai thường gặp những người tốt, tích cực.
Dựa vào luật này, khi ý niệm tác động vào những lá bài với tâm niệm đang khổ, đang buồn, đang lo về vấn đề nào, trong tâm ta tỏa ra năng lượng đến vũ trụ, nó sẽ tác động lại khiến trong vô thức dẫn đến tay chúng ta phải bốc 1 lá bài mà cơ bản là những lá bài đó đã được định sẵn hình ảnh này là tốt xấu, thì chính cái đó tương đồng. Nên tư duy đã tác ý thì lá bài đó sẽ tương đương với tâm trạng của chúng ta. Nên người thành tâm bói mới trúng, vì chính thành tâm nên chúng ta dồn hết các ý tưởng để xây dựng một năng lượng trong khát khao, nó đã định hình lên điều đó.
Nên nhớ: Có những điều phản ánh theo những nguyên tắc rất khoa học. Đây cũng là lý do mà đôi khi chúng ta thấy vì sao họ bói đúng tâm trạng của chúng ta như thế. “ Hữu ư trung xuất hình ư ngoại”. Trong tâm trạng chúng ta như thế nào sẽ thể hiện qua cử chỉ, ngôn ngữ và hành động của chúng ta.
Đa phần những người đi bói bài mà bói chơi thầy bói bói không được, trong lòng chúng ta vô tư. Vì nó không phản ánh được tâm trạng chúng ta vì chúng ta không để tâm vào đó mà biểu hiện qua cử chỉ, nét mặt nên người bói không thể phán đoán được.
Trong đạo Phật không dạy cách bói mọi thứ mà dạy chúng ta cách làm chủ tâm, cách khởi ý niệm, cách chuyển hóa tâm. Thay đổi ý niệm, thay đổi tâm để chúng ta tác động ra bên ngoài những ý nghĩ tốt, những suy nghĩ tích cực, những năng lượng tốt trong gian này để những điều tốt, để điều may mắn, những điều tích cực, những người lương thiện xuất hiện trước mặt để mang đến sự an vui cho chúng ta.
Cho nên, đừng suy nghĩ rằng những ý nghĩ của chúng ta không ai biết mà thật sự nó đang tồn tại trong không trung này, để chờ khi có một điều tương ưng nó sẽ kết hợp vào.
Xem chỉ tay
Chỉ tay cũng thể hiện tâm trạng và thể trạng của chúng ta. Họ dựa vào chỉ tay có thể biết chúng ta khỏe mạnh ốm yếu như thế nào. Những người không khỏe đường chỉ tay không sắc nét và mặt chỉ tay không hồng hào mà tái xám. Những chỉ tay hay gò chỉ tay phản ánh được sức khẻ của bộ phận trong cơ thể, đó đều dựa trên cơ sở khoa học nên họ nắm được chúng ta đang như thế nào. Tương tự thế, tâm trạng thay đổi thì chỉ tay của con người cũng thay đổi theo.
Tướng số
Theo Phật dạy, con người là biểu hiện của nghiệp. Tùy vào nghiệp thiện ác của chúng ta mà nó biểu hiện con người chúng ta qua các giác quan. Nếu hiểu về điều đó, chúng ta tự chuyển nghiệp để phần nào thay đổi hình tướng của mình. Bên cạnh đó, dựa vào nhân tướng học cũng là cách để chúng ta nhìn thấy được con em mình như thế nào để phát huy hay chuyển hướng chúng thành con người tốt hơn. Đối với đạo Phật thì cái gì cũng thay đổi được.
Những người sinh ra tính rất xấu, hung tợn, đó có thể là chúng sanh từ ba đường ác tái sinh nên chưa hoàn thiện nhân cách của con người. Có những người nhân cách cao quý, rộng lượng bao dung, đó là chúng sanh có tu tập tốt hoặc hết phước cõi trời tái sinh vào kiếp người.
Con người sinh ra gắn liềm với nghiệp thiện ác từ kiếp trước rất nhiều, nó thể hiện qua dung nghi, các tính cách để các nhà nhân tướng học dựa vào đây đánh giá một vấn đề.
3. Bói toán theo quan niệm Phật giáo
Trong kinh Di Giáo Đức Phật khuyên các vị tỳ kheo là: Không được bói toán, xem đoán kiết hung, tốt xấu lành dữ, không được dùng đó làm nghề kiếm sống.
Phật cũng khuyên tỳ kheo tránh bốn cách ăn:
2. Ngước mặt mà ăn: Không được xem tinh tú để dựa hành nghề này mà ăn
3. Vuông miệng mà ăn: Không được nịnh nọt người thế tục để được quyền lợi
4. Soi quanh bốn phía mà ăn: Là những tỳ kheo sống bằng nghề coi hướng, phong thủy. Đó chính là những điều Đức Phật cấm trong kinh điển và trong luật
Nên những người không nắm được mục đích tu hành chọn đây là một cái nghề. Nhưng nắm được mục đích tu hành thì dưới cái nhìn tuệ giác thì đây rất bình thường. Hai tuệ giác trong đạo Phật nhìn được vấn đề này là: Túc mạng thông, thiên nhãn thông. Hai cái nhìn này giúp một bậc tuệ giác nhìn xuyên thấu chúng sanh sẽ tái sinh về đâu sau khi mất, ở thân phận gì nhưng điều duy nhất Đức Phật không làm được chính là can thiệp vào nghiệp của chúng sinh.
4. Bói toán tốt hay xấu?
** Về mặt tích cực
– Bói toán là kênh trung gian dành cho những người chưa hiểu đạo, được nắm rõ thế nào là hành động xấu ác để tránh và khuyến khích hành thiện để làm lợi lạc.
** Về mặt tiêu cực
– Một số chủ bói không lương tâm, lợi dụng lòng tin để đầu độc nhiều người rơi vào tà kiến, sống mê tín để tan nhà nát cửa.
– Khiến người khác ỷ lại khi được phát là tốt đẹp, và hoang mang, lo sợ khi bị phán là xui rủi
Cho nên, trên tinh thần của người học Phật chúng ta có thể xem bói toán để giải trí, để tìm hiểu nhưng áp đặt những điều được phán là cuộc đời của mình. Phải dựa vào nhân quả là tiêu chuẩn để nhìn nhận hạnh phúc khổ vui của mọi người, bởi cách nhìn của Phật học là toàn diện nên bói toán cũng dựa vào đó để ổn định hơn.
Tóm lại, qua bài Những điều cần biết trong thuật bói toán chúng ta rút ra kết luận rằng: Khi làm thiện lành, dù thế nào chúng ta vẫn ít bị ảnh hưởng gì mà vẫn sống hạnh phúc, bình yên và thảnh thơi. Bởi có phước vượt qua tất cả. Như cổ đức đã dạy: Đức trọng quỷ thần kính sợ. Hơn nữa, phải hiểu luật nhân quả trong Phật giáo là gốc của mọi sự khổ vui, hiện tượng chỉ là ngọn, là kết quả của một vấn đề. Muốn thay đổi vấn đề phải thay đổi từ gốc, thay đổi từ nhân.
Dựa vào bài giảng: Những điều cần biết trong thuật bói toán – Thầy Thích Phước Tiến
(Nguồn: Blog Phật Giáo)