Theo truyền thuyết, nghi lễ và phong tục tại chùa Hương, thì vùng này vào đầu thế kỷ đầu tiên đã có công chúa Diệu Thiện – tục gọi là bà Chúa Ba, ứng thân của Bồ tát Quan Thế Âm đã đến đây tu hành và đắc đạo. Điều đó có thể nói rằng nơi đây thờ Phật và chủ yếu là Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
Nhưng ngày nay khu vực chùa còn thờ tự cả các vị thần linh và thánh mẫu nữa.
1. Dâng lễ vật
Dâng hương đã trở thành nghi thức không thể thiếu đối với bất cứ khách thập phương nào khi đến chùa Hương. Dù đến “thăm Phật” theo phong cách du lịch đi chăng nữa thì người ta đều có dâng hương với một chút lễ chay mọn như hoa quả để dâng Phật và chư vị Thánh Hiền thờ trong Phật điện.
Người thực thi tín ngưỡng thường nói “vô vật bất linh”, nghĩa là dâng hương cúng bái mà thiếu lễ vật thì chẳng được linh thiêng.
Sự thật, theo giáo lý của nhà Phật thì linh thiêng hay không linh chẳng phải ở lễ vật dâng cúng to hay nhỏ, sang trọng hay hèn mọn mà trước hết là ở tâm thành của người dâng lễ. Bởi thế, lễ vật dâng cúng, nhất là dâng cúng Phật, Bồ Tát và chư vị Hiền Thánh ở chùa, trước hết là tâm thành “Linh tại ngã, bất linh tại ngã” cũng là vậy. Điều này thật đúng với đạo lý của Đạo Phật: “Vạn vật duy tâm tạo” (vạn vật, vạn sự đều được tạo tác bởi tâm). Bởi thế, tâm thanh tịnh thì vạn vật thanh tịnh, lễ vật dâng cúng chỉ trở nên thanh tịnh, vạn sự cầu đạo chỉ được linh nghiệm khi tâm ta thanh tịnh và linh nghiệm.
Tuy vậy, người thực thi tín ngưỡng vẫn thấy không an tâm, thấy không đúng luật tục nếu như dâng hương lễ Phật mà lại thiếu những phẩm vật dâng lên hương án nơi Phật điện và các ban thờ khác trong chùa.
2. Đặt lễ vật, thắp hương và làm lễ
Theo phong tục người ta tiến hành ở ban thờ Đức chúa (Đức ông) trước. Vì Đức chúa hay Đức ông là vị cai quản tất cả các công việc của chùa chiền. Trước hết cần phải thắp hương lễ ban thờ này trước để xin được vào làm lễ tại chính điện.
Tiếp theo, đặt lễ lên hương án ở chính điện, thắp đèn, nhang lên, thỉnh 3 hồi chuông (nếu đã có sẵn thì chỉ cần thắp thêm một nén nhang cũng được) và vào những buổi đông người tới làm lễ thì không cần phải thỉnh chuông nữa) rồi làm lễ chư Phật, Bồ Tát.
Sau khi đã lễ xong ở chính điện thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác. Cuối cùng là lễ ở nhà thờ tổ (nhà hậu).
Một điều cần lưu ý là trong nghi lễ Phật tại chính điện thường có nghi thức lạy.
Nếu là khách hành hương thì có thể lễ Phật ba, hoặc năm, hoặc chín lạy. Nếu biết thần chú nhà Phật (như Chú Chuẩn đề, Đại bi thập chú) thì có thể niệm vài biến rồi phát nguyện hồi hướng. Trong trường hợp khách hành hương lễ Phật giản dị nhất thì có thể lạy Phật tại chính điện 3 lạy rồi phát nguyện bằng một bài văn khấn (nếu không thuộc thì cầm giấy đọc cũng được).
3. Những điều cần lưu ý khi sắm sửa và dâng lễ vật tại chùa
Đến dâng hương tại các chùa chỉ nên sắm các lễ chay như: hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè…
Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận trong khu vực chùa có thờ tự các vị Thánh, Mẫu. Lễ vật mặn chỉ dâng ở ban thờ Thánh, thờ Mẫu mà thôi, tuyệt đối không được đặt lễ mặn ở khu vực Phật Điện (chính diện), tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Lễ mặn (nhưng thường đơn giản như gà, giò, chả, rượu, trầu cau…) cũng thường được đặt tại ban thờ hay có thể là điện thờ (nếu được xây thờ riêng) của Đức ông – Vị thần cai quản toàn bộ công việc của một ngôi chùa nói ở trên.
Hiện nay nhiều người sắm lễ tới chùa còn thường sắm cả vàng mã, tiền âm phủ. cần nhớ rằng giáo lý đạo Phật không dạy, thậm chí còn khuyên răn người đời không nên đặt vàng mã, tiền âm phủ…; rằng “đốt vàng mã, giết hại chứng sinh… vì tà tâm ấy mà không được Phật tiếp độ”. “Giết hại chúng sinh” nói ở đây là sát hại gia cầm, trâu, bò, lợn, gà… để làm lễ vật), cả đến tiền thật cũng không đặt lên hương án của chính điện. Hiện nay, nếu ta đến chùa, hãy thử để ý quan sát sẽ thấy có người đặt tiền thật nơi hương án, kẹp vào đĩa hay mâm hoa quả để cúng lễ chư Phật, Bồ Tát. Đây là điều cần phải chú ý, không được phạm vào luật tục dâng cúng phẩm vật tại chính điện, làm mất vẻ thanh tịch thờ tự của điện thờ. Nếu định dâng tiền thật thì nên bỏ tiền, vàng công đức vào các “hòm công đức” đặt tại các chùa, hoặc gặp ban quản lý chùa chiền hay các sư, tăng trụ trì tại chùa mà dâng. Còn không thì chỉ cần thẻ hương thơm cùng với đĩa hoa (hay bó hoa) tươi, sạch cũng coi là đủ lễ theo luật tục vào chùa. Hoa tươi lễ Phật thường được lựa chọn là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… không dùng các loại hoa tạp, hoa dại, nhất là thứ hoa để lâu ngày, càng không dùng những loại hoa cúng bái rồi. Điều này xem qua có vẻ như chấp mắc vào hữu tưởng trần tục, nhưng xét kỹ lại là thể hiện của sự thành tâm, thanh tịch của người dâng lễ.
Trước ngày dâng hương lễ Phật ở chùa, người thực thi tín ngưỡng cần chay tịnh trong cuộc sống sinh hoạt đời thường hàng ngày như: ăn chay, kiêng giới, không uống rượu, không nói thiên lệch đặt điều cho người khác, không đánh nhau, cãi nhau, không giết hại các sinh linh… Cần luôn tâm niệm những điều tốt đẹp cho mọi người, cho cộng đồng xã hội, cho các chúng sinh. Người đến chùa thực thi tín ngưỡng, những điều nói trên mà tín chủ làm được trước khi đến cửa chùa thì đó chính là lễ vật đáng tôn kính nhất.
Để đặt dịch vụ, Quý khách vui lòng gọi điện vào số điện thoại dưới đây
024 6670 8683 hoặc 0968 742 813
Tour chùa Hương – Tam Chúc hàng ngày | Nhà nghỉ | Khách sạn
Nhà hàng | Đò thuyền | Đặt đồ lễ | Viết sớ chữ nho