Ðêm 17 tháng 5 năm 1958, tôi nhận được lệnh cấp trên báo qua dây nói: “Năm giờ sáng mai có mặt ở Cổng Ðỏ, đi công tác một ngày”. Sớm hôm sau, trời Hà Nội còn tối mù mịt, trước Cổng Ðỏ – phía sau của Phủ Chủ Tịch – tôi được đưa lên một chiếc ô tô Liên Xô hiệu Pa-bi-ê-đa, chạy dẫn đầu một đoàn xe bốn chiếc.
Xe vùn vụt chạy qua thị xã Hà Ðông, đến ngã ba Ba La bông đỏ thì rẽ trái, đoàn xe chạy tuốt mãi xuống Bến Ðục ở cuối huyện Mỹ Ðức. Nhưng lúc này không phải thời gian mở hội, mà Hoà Thượng trụ trì Chùa Hương là cụ Thích Thanh Chân đang họp ngoài Hà Nội, liệu có chắc là Bác Hồ đi thăm “Nam Thiên Ðệ Nhất Ðộng” (“hang động đẹp nhất trời Nam”, lời đánh giá xếp hạng năm 1770 của Chúa Trịnh Sâm đối với hang động Hương Tích) không đây?
Gác Chuông Chùa Hương
Mọi người xuống xe. Từ chiếc xe thứ hai, Bác Hồ bước ra, mặt bộ quần áo nâu gụ, đầu đội mũ cát, có chiếc khăn tay giả làm quai mũ che kín chòm râu. Lác đác mấy người dân ở Bến Ðục ngó nghiêng nhìn đoàn xe lạ. Chúng tôi từ chiếc xe đầu bước xuống, quay sang định đến chào Bác, Bác nhanh nhẹn chỉ tay sang ông Nguyễn Lương Bằng vừa ngồi trên cùng xe xuống: “Phái đoàn hôm nay có ông Bằng đây làm trưởng đoàn !”. Ông Bằng dướn người ra phía trước: “Phải rồi ! Tôi là trưởng đoàn đây, đồng chí có gì cần bàn không?“.
Các đồng chí phụ trách tỉnh Hà Ðông trực đón ở đây mau chóng đưa Bác Hồ và cả đoàn xuống một con thuyền lớn bằng gỗ đã chờ sẵn ở bến. Thời này chưa hề có thuyền máy, xuồng máy, chiếc thuyền gỗ ngày ấy chỉ được chèo bằng tay, lặng lẽ lúc lắc lượn theo dòng suối. Lúc này, Bác mới bỏ mũ, bỏ khăn ra, ngồi ngắm cảnh núi xanh, mây trắng hai bên bờ.
Thuyền cập bến, chúng tôi đa Bác vượt qua mấy trăm bậc đá đầy rêu phong, vào chùa Thiên Trù. Hồi này, chùa vẫn còn đầy vết tích hoang tàn từ cuộc càn quét của lính tây để lại. Bác sải chan đi qua sân gạch thềm cũ, rồi ngắm nhìn tầng trên lớp dưới của chùa đang còn tan hoang. Bác bảo anh Trần Thế Uông trong ban Thường vụ tỉnh uỷ đi theo:
– Thiên Trù là “bếp nhà trời”, không được để hương lạnh khói tàn thế này. Chú về bàn với Uỷ ban tỉnh có kế hoạch trình với Chính phủ xin khôi phục lại Thiên Trù và cả khu Chùa Hương nhé!
Cả đoàn lại lên đường giữa lau cỏ hoang dại, dần dần vào tới chùa Giải Oan. Tuy đã gần bảy mươi tuổi, song Bác vẫn đặt bước chân đi lên các bậc đá còn nhanh nhẹn và vững chãi hơn cả một số thanh niên chúng tôi. Bác còn vui vẻ kể lại chuyền mười mấy năm trước đây, mùa xuân năm Quý Mùi 1943, Bác bị Tưởng Giới Thạch giam giữ trong ngục tối rồi bắt giải đi qua ba mươi nhà tù, qua bao chặng đường hiểm nguy và gian nan. Trên đường vào Chùa Trong, đi ngang qua nhiều vạt đất trống hai bên đường, có đoạn Bác bất chợt hỏi anh Uông:
– Chỗ này các chú có định trồng thêm “mơ Chùa Hương” không ?
– Dạ, thưa Bác, phía trong thung lũng, đồng bào trồng nhiều mơ lắm, trồng thành rừng ấy ạ !
– Chú này khéo đánh trống lảng thật ! Bác có hỏi đồng bào trồng mơ thành rừng ở nơi nào đâu, Bác hỏi các chú có kế hoạch trồng thêm mơ ở mấy vạt đất này không cơ mà !
Anh em lại cười ầm lên, kể cả anh Uông. Sau này, anh Uông thú thật với cánh tôi: – Ông cụ tinh thật ! Mình có nắm được gì về kế hoạch trồng mơ đâu. Mà lúc này Tỉnh uỷ đang lo chống đói, chống hạn, ổn định dân tình, nào đã có kế hoạch gì dài hạn đâu, đồng bào trồng đâu thì trồng ấy mà!
Vào động Hương Tích, Bác say mê ngắm cảnh đẹp, chăm chú đi theo anh Uông giới thiệu các nhũ đá “Cây tiền”, “Ðụn gạo”, “Nong tằm”, “Né kén”, “núi cậu”, “núi cô” … Anh kể chuyện hai hòn đá “cô, cậu” này nhẵn đi vì quá nhiều người tới xoa đầu để cầu tự. Bác Hồ nói:
– Thế có ai cầu được “cô”, “cậu” nào về nhà chưa ?
Anh Uông vội thưa:
– Dạ, thư Bác, cháu thấy ngày trước có mấy người nhà giàu về đây cầu khấn, rồi quay về đây khoe là đã đẻ con xong, nay xin về lễ tạ xì xụp đấy ạ !
Bác Hồ cười, quay ra nói với cả đoàn:
– Chùa chiền là nơi để tu luyện lòng nhân ái, chúng ta nên giúp nhân dân xây dựng lại chùa chiền và cũng nên tôn trọng quyền được tự do tín ngưỡng của nhân dân.
Thăm cảnh đẹp động Hương Tích xong, cả đoàn kéo nhau ra cửa động, anh em phục vụ đã trải mấy chiếc bạt, giữa bạt tãi ra mấy tấm lá chuối to tướng, mọi người ngồi quây quần thành nhiều “mâm” cùng ăn cơm nắm với tép rang và muối vừng. Lúc này, tôi ngồi ngay sau Bác Hồ, tôi nhìn thấy rõ mồ hôi đã thấm qua áo nâu của Bác. Tuy thế, Bác vẫn ăn uống và trò chuyện vui vẻ, không tỏ ra một dấu hiệu mệt nhọc nào. ?n xong, Bác gọi anh Uông cùng một số anh em cán bộ chúng tôi lại, nói chuyện thân mật. Bác nói đại ý:
– Chùa Hương – và nói rộng ra là hang động Hương Tích – là nơi cảnh đẹp nhất nhì của đất nước ta, ta phải biết quý trọng mà giữ gìn, vun đắp cho con cháu mình được thưởng thức, thêm yêu đất nước. Chú Uông về báo cáo với chính quyền Tỉnh phải chăm lo chỉ đạo việc khôi phục khu vực Chùa Hương, nhất là phải có sự vun trồng đạo đức con người, làm cho con người đi thăm Chùa Hương thì thêm yêu đất nước, quê hương, thêm giúp nhau vượt qua nghèo đói và khó khăn để cùng được sống yêu thương, no ấm, lành mạnh. Tất nhiên là rồi ra cần xây lại chùa, cần trồng thêm nhiều cây cho mát, nhưng quan trọng hơn hết là xây dựng đạo đức sống với nhau đoàn kết, thuận hoà, chăm lo cho hạnh phúc của gia đình và cho mọi người chung quanh mình.
Nắng ngả về chiều, đường trở ra có vẻ như trôi đi nhanh hơn. Ngồi trên thuyền xuôi dòng suối Yến lấp lánh ánh nắng như muôn hạt ngọc chiếu hắt từ đáy nước lên, Bác Hồ ra đứng ngoài cửa khoang thuyền ngắm cảnh mây nước xa gần. Phía bên này, ông Nguyễn Lương Bằng đang căn dặn tôi viết lách việc Bác đi thăm chùa hôm nay, nhớ làm nổi rõ mấy điểm:
– Bác đi thăm chùa, thăm cảnh đẹp cũng là để tránh đồng bào, đồng chí kéo đến chúc mừng sinh nhật. Bác bảo nhân dân ở đâu cũng đang mong đợi sửa sai trong cải cách ruộng đất cho nhanh, cho tốt, cho làng quê mình sớm ổn định, mau no ấm, góp phần cùng miền nam đấu tranh thống nhất Tổ Quốc. Mình tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người thờ Phật, khuyến khích đồng bào tự nguyện góp công góp sức cùng nhau khôi phục lại chùa để có chỗ thờ cúng được tôn nghiêm, khang trang. Giặc đã phá huỷ chùa, mình chớ nên để mưa gió huỷ hoại thêm tàn tạ nhưng cũng đừng nên huy động tốn kém xây cất nguy nga, không hợp với chốn tu hành. Chùa Hương trước hết là cảnh đẹp, di sản ông cha để lại cho đất nước mình càng thêm gấm vóc, đừng để mê tín dị đoan xâm nhập và nhất là đừng để ai lợi dụng kiếm tiền. Chú ý trồng cây, trồng mơ, trồng rau sắng, trồng ngô khoai … nhưng trồng người là quan trọng hơn cả, phải lo nhiều việc cho dân đỡ đói nghèo, mọi người phải biết chữ, các cụ già phải gương mẫu bảo ban dạy dỗ con cháu trở thành con người mới.
Chuyện đang dở thì anh Uông len vào ngồi cạnh ông Bằng nói nhỏ:
– Thưa anh, kế hoạch đi đứng từ sáng đến giờ là hoàn toàn bí mật, thế mà không biết bị lộ ở khâu nào, anh em bên ngoài chạy vào báo cáo hàng nghìn dân đã tụ tập từ buổi trưa ở Bến Ðục để đón Bác. Ðề nghị anh cho chuyển Cụ sang một chiếc thuyền nhỏ đi vòng lối sau, còn thuyền lớn vào bến trước.
– Không ! Bác vẫn ở thuyền này, các anh thu xếp bảo vệ Bác vẫn đứng ở phía mũi thuyền kia. Nhân dân vui mừng chào đón lãnh tụ, khí thế mạnh thì có gì đâu mà phải lo ngại.
Quả đúng như “tin tình báo” của anh Uông, khi thuyền về cách Bến Ðục mấy trăm mét, chúng tôi đã thấy trên bờ đông nghịt hàng nghìn người, phần lớn quần áo màu đen và nâu, vì mới ra khỏi cuộc kháng chiến đánh Pháp, chẳng lấy đâu ra quần áo đẹp đẽ. Không cờ, không khẩu hiệu biểu ngữ, các cụ bà, các cụ ông toàn là vẫy nón, vẫy khăn rối rít, còn đám thanh niên nam nữ mạnh chân khoẻ tay, thì đua nhau chạy rào rào chạy hướng con thuyền dần dần cập bến. Và chúng tôi đã nghe rõ tiếng hô rền vang khắp mặt nước dội lên “Hồ Chủ Tịch muôn năm ! Muôn năm! Muôn năm!”. Quả như ông Bằng dự kiến, lúc này Bác Hồ bước hẳn lên mũi thuyền, đứng thẳng. Bác tươi cười giơ tay vẫy chào nhân dân. Nỗi lo trên khuôn mặt anh Uông đã tan biến, anh chạy lên mũi thuyền đứng phía sau Bác, phòng khi thuyền tròng trành. Ông Bằng hỏi Bác: “Thưa Bác! Thuyền ghé lùi lên phía trên kia được không ạ?“. Bác cười, chỉ thẳng vào chỗ các cháu bé đang nhảy cỡn lên reo mừng:
– Cho vào chỗ này. Cho vào chỗ các cháu bé này này!
Quả là “thuyền đổ bộ” của đoàn lên trên bờ rất vất vả, nhân dân già trẻ, lớn bé xô đẩy nhau, trèo lên cây, lên mái nhà, mái lều, hoa chân múa tay để tỏ hết nỗi vui mừng tràn ngập xóm thôn . Bác chỉ cười và vẫy chào, nhiều lần nắm lấy bàn tay các cụ, xoa đầu các cháu đứng sát lối đi. Anh em bảo vệ vã mồ hôi ra mở lối đi nhỏ để Bác Hồ và đoàn nhích lên từng bước một. Lối đi chật ních, nhân dân thích thú nhẩy lên ra sức reo hò, vang mãi, vang mãi: “Muôn năm! Muôn năm! Cụ Hồ muôn năm!”.
Cuối cùng thì đến tối mịt đoàn xe cũng về đến thủ đo Hà Nội. Anh Uông tiễn chân Bác đến tận Cổng Ðỏ của Phủ Chủ Tịch. Ông Bằng dặn anh Uông:
– Về, các anh nên rút kinh nghiệm vì đã để xểnh bí mật, làm cho mọi người toát cả mồ hôi ra.
Thế nhưng Bác Hồ xuống xe, tươi cười bắt tay anh Uông rất chặt: “Bác cám ơn chú, cám ơn tỉnh đã thu xếp cho Bác một ngày đi thăm cảnh đẹp đất nước thu được kết quả rất tốt”.
Mai Thanh Hải
Nguyên Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ
(Nguồn: chuahuong.info.vn)