Cùng tìm hiểu về chữ Phật

Phật là chữ viết tắt của Phật Đà, đây là danh hiệu phiên âm từ tiếng Phạn hoặc Pali buddha बुद्ध (bo. sangs rgyas) sang Hán-Việt; dịch ý là Giác giả, tức “Người tỉnh thức”, “Người Giác Ngộ”.

Do ban đầu người Việt tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha (bậc giác ngộ – Phật) được phiên âm trực tiếp thành Bụt (đọc Nôm chữ 孛 hoặc 侼). Từ Bụt được dùng nhiều trong các truyện dân gian do Phật giáo Việt Nam lúc ấy mang màu sắc của Tiểu thừa. Sau này, vào thế kỷ thứ 4-5, do ảnh hưởng của Đại thừa đến từ Trung Quốc mà từ Bụt bị mất đi và được thay thế bởi từ Phật. Trong tiếng Hán, từ Buddha được phiên âm thành Phật đà, Phật đồ rồi được rút gọn thành Phật.

Phật có ba nghĩa

Phật, tiếng Phạn nói đủ là Phật Đà, Trung Hoa dịch là Giác. Giác có ba nghĩa:

1. Tự giác

Như người tỉnh thức sau giấc mộng dài (đại mộng). Đây là vượt hơn phàm phu.

2. Giác tha

Đã vượt hơn Nhị thừa, vì Nhị thừa chú trọng cho mình nhiều hơn, không có tâm lợi tha, chỉ mong tự lợi, nên gấp ra khỏi sanh tử ba cõi. Còn Phật Như Lai chứng đắc bình đẳng trí, được pháp tính không, vận tâm vô duyên từ vào cảnh giới ma, độ khắp chúng sanh, khiến họ an vui, nên gọi là Giác tha.

3. Giác hạnh viên mãn

Khác hơn Bồ Tát, vì hàng Bồ Tát tuy khởi lòng từ độ khắp chúng sanh nhưng giác hạnh chưa được viên mãn, chỉ có Phật, tâm cảnh đều lìa, Căn bản trí được hiển lộ toàn vẹn, Ngũ trụ phiền não đã tận diệt, hai thứ sanh tử không còn, ba giác đã trọn, muôn đức đã đủ, đầy đủ mười hiệu, nay chỉ nên một hiệu là Như Lai thì mười hiệu đồng bày.

Ba đời chư Phật đã nói Pháp này; ba đời đó là quá khứ, hiện tại và vị lai. Đức Xá Na tuy nói rằng: Chừng đầu mảy lông nhưng thực ra ba đời chư Phật cùng thuyết, ba đời Bồ Tát cùng học, vì sao vậy? Vì tâm là nguồn gốc của muôn pháp. Nêu tâm thì muôn pháp đều đủ, nên Chư Phật đồng thuyết, Đại sĩ đồng học. Theo kinh Phạm võng

Ý nghĩa của từ Phật có thể được hiểu là: vị Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni, một Bậc giác ngộ, Phật tính, hoặc Thể tính tuyệt đối Bất khả tư nghị.

Người giác ngộ

Đức Phật là người đã dứt khỏi Luân hồi (sa. saṃsāra), đạt giác ngộ hoàn toàn, đạt Giải thoát, chứng Niết-bàn. Phật là người đã vượt qua mọi tham ái (sa. tṛṣṇā, pi. taṇhā), là người biết phân biệt thiện ác, nhưng tâm không vướng mắc vào các phân biệt đó. Sau khi thị tịch, một vị Phật không còn tái sinh.

Người ta phân biệt hai quả vị Phật: Độc Giác Phật (sa. pratyeka-buddha), là người hoàn toàn giác ngộ, nhưng không giáo hóa, và Tam-miệu-tam-phật-đà (sa. samyak-saṃbuddha), dịch ý là Bậc Chính Đẳng Chính Giác, người giáo hóa chúng sinh về những điều mình chứng ngộ. Một Chính Đẳng Chính Giác là một vị đã đạt Nhất thiết trí (sa. sarvajñatā), Mười lực (Thập lực, sa. daśabala), chứng Bốn tự tín (Tứ vô sở uý). Vị Phật của thời đại chúng ta là Thích-ca Mâu-ni. Phật Thích-ca—một nhân vật lịch sử có thật—không phải là vị Phật đầu tiên và duy nhất. Trong những kinh nikaya pali, người ta đã nhắc các vị Phật trong các thời đại trước: Tì-bà-thi (sa. vipaśyin, pi. vipassi), Thi-khí (sa. śikin, pi. sikhī), Tì-xá-phù (sa. viśvabhū, pi. vessabhū), Phật Ca-la-ca-tôn-đại (sa. krakuccanda, pi. kakusandha), Phật Câu-na-hàm (sa., pi. konagāmana) và Phật Ca Diếp (sa. kāśyapa, pi. kassapa). Vị Phật sẽ xuất hiện trong tương lai để tiếp tục hoằng pháp là Di-lặc (sa. maitreya, pi. metteyya). Trong kinh sách, người ta còn nhắc đến 13 vị Phật khác mà vị quan trọng nhất là Phật Nhiên Đăng (sa., pi. dīpaṅkara). Trong thời quá khứ, Phật Thích-ca là người tu khổ hạnh mang tên Thiện Huệ (sa., pi. sumedha), đệ tử của Phật Nhiên Đăng. Lịch sử các vị Phật được ghi trong Tiểu bộ kinh (pi. khuddaka-nikāya).

Bắt đầu con đường tiến đến Phật quả, một vị Bồ Tát phát nguyện trước một vị Phật, quyết tâm thành đạo giác ngộ. Trải qua vô lượng kiếp, vị Bồ Tát đó thực hành mười hạnh Ba-la-mật-đa. Trước khi sinh lần cuối, vị đó thường giáo hóa ở cung trời Đâu-suất (sa. tuṣita). Khi sinh lần cuối vị Phật sẽ mang trong người Ba mươi hai tướng tốt, Tám mươi vẻ đẹp khác cũng như đã đạt 37 Bồ-đề phần. Các vị Phật khi sinh ra thì mẹ của các vị sẽ chết bảy ngày sau đó. Lúc lớn lên, đến thời kì thích hợp, các vị Phật sẽ sống không nhà và sau khi giác ngộ sẽ thành lập Tăng-già. Lúc Đức Phật nhập Niết-bàn là cũng là lúc chấm dứt quá trình đạt đạo.

Phật tính

Phật tính, được xem là gốc của mọi hiện tượng; mọi hiện tượng là biểu hiện của Phật tính. Nếu phái Nam tông chỉ công nhận mỗi thời đại chỉ có một vị Phật, và vị này là phải là một nhân vật lịch sử và là đạo sư giáo hóa, thì Bắc tông cho rằng có vô số vị Phật được biểu hiện khác nhau. Theo quan điểm Tam thân (sa. trikāya) của Bắc tông thì Phật tính biểu hiện qua ba dạng chính và mỗi dạng Phật biểu hiện một tính chất của Chân như.

Các dạng siêu việt của Phật tính, Chân như (xem Phật gia) được kể là các vị Phật A-di-đà, Đại Nhật, Bảo Sinh, Bất Động, Bất Không Thành Tựu, Kim Cương Tát-đoá. Các vị này là thầy của các vị Bồ Tát và là giáo chủ của các Tịnh độ. Các dạng Phật siêu việt của Chân như đều có tính chất siêu thế gian, thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, toàn năng, vô lượng thọ. Theo quan điểm Tam thân thì Báo thân Phật (sa. saṃbhogakāya) chính là hình ảnh lí tưởng của các vị Bồ Tát tự tạo nên để theo đó mà tu học. Báo thân lại chính là Chân tâm của Ứng thân, hay Hoá thân (sa. nirmāṇakāya), là thân của Phật có dạng con người sống trên địa cầu. Khoảng năm 750 sau Công nguyên, sau khi Kim cương thừa ra đời thì trong các trường phái Bắc-tông cũng chấp nhận ngoài Pháp thân (sa. dharmakāya) có thêm năm vị Phật chuyển hóa từ Pháp thân đó, được gọi là Ngũ Phật hay Phật gia, vì mỗi một vị Phật đó được xem có thêm một vị Phật lịch sử (từng sống trên địa cầu) và một vị Bồ Tát đi kèm:

Cùng với Phật Đại Nhật là vị Ca-la-ca-tôn-đại (sa. krakuccanda) và Phổ Hiền Bồ Tát (sa. samantabhadra).
Cùng với Phật Bất Động (sa. akṣobhya) là vị Ka-na-ca-mâu-ni (sa. kanakamuni) và Kim Cương Thủ Bồ Tát (vajrapāṇi).
Cùng với Phật Bảo Sinh là vị Phật lịch sử Ca-diếp (sa. kāśyapa) và Bảo Thủ Bồ Tát (ratnapāṇi).
Cùng với Phật Bất Không Thành Tựu là vị Phật Di-lặc và Phổ Chuỳ Thủ Bồ Tát (viśvapāṇi).
Cùng với Phật A-di-đà là đại thế chí bồ tát và Quán Thế Âm Bồ Tát (sa. avalokiteśvara).

Phật lực

Một điểm khác hoàn toàn với các tôn giáo khác là Đạo Phật không có một đấng tối cao phán xét hay có toàn quyền sinh sát. Mỗi người tự làm chủ số phận của mình bằng Nhân Quả hay Nghiệp lực của mình tạo ra, không một ai ngoài bản thân có thể phán xét, cứu vớt, xóa tội cho mình. (tự lực) Các vị đạo sư hay các vị Phật, Bồ tát chỉ là người dẫn đường, bảo vệ hoặc gia hộ cho chúng sanh tự tìm cách giải thoát. (tha lực) Chúng sanh hoàn toàn có thể tự đạt đến quả vị Phật, tương đương với Phật qua câu nói của Phật: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Trong khi đó các tôn giáo khác hầu như luôn bắt buộc tín chúng phải tôn sùng một đấng tối thượng, tôn thờ và cầu xin được cứu vớt, xóa tội hay ban phước và tín chúng không bao giờ đạt được vị thế ngang hàng hay năng lực tương đương với đấng đó.

Cốt lõi cơ bản của Đạo Phật là Nhân Quả và Luân hồi. Trong một khía cạnh nhỏ, Nhân Quả nghĩa là chúng sanh gieo Nhân nào sẽ gặt Quả đó, không thể nào lẩn tránh được. Luân hồi nghĩa là chúng sanh không phải chỉ có một kiếp hiện tại mà đã và sẽ sinh ra, chết đi vô lượng kiếp dưới nhiều xác thân khác nhau và luật Nhân Quả luôn theo sát quá trình Luân hồi đó.

Một kiếp của một người so với vô lượng kiếp của người đó giống như một hạt cát trong sa mạc và Nhân Quả luôn chi phối chặt chẽ quá trình này. Muốn giải thoát khỏi Luân hồi sinh tử chỉ có một con đường tu tập theo sự chỉ dạy của Phật. Con đường giải thoát là khách quan, có sẵn không lệ thuộc vào Phật. Phật chỉ là người đi trước, đã thành công và giải thoát. Vì vậy mọi chúng sanh đều có thể đi theo con đường của Phật để tự giải thoát và thành Phật, như Phật đã nói “Như mặn là vị của nước biển, còn vị của đạo ta là giải thoát”.

Thể tính tuyệt đối

Một khái niệm chỉ cái tuyệt đối, Không khởi đầu,không cùng tận của thế giới. Thể này nằm ngoài mọi suy luận, không thể nghĩ bàn (Bất khả tư nghị), là bản thể không hề biến hoại của Phật tính.

Tam thế Phật

Kinh văn đôi lúc cũng nhắc đến Tam thế Phật (chữ Hán: 三世佛), nghĩa là các vị Phật thời quá khứ, hiện tại và vị lai, chỉ tất cả các vị Phật trong ba đời và mười phương thế giới (trong đó Phật Nhiên Đăng đại diện cho chư Phật trong quá khứ, Phật Thích-ca là vị Phật thời hiện tại và Phật Di-lặc tượng trưng cho chư Phật thời vị lai).

(Nguồn: wikipedia)

Để đặt dịch vụ, Quý khách vui lòng gọi điện vào số điện thoại dưới đây

024 6670 8683 hoặc 0968 742 813

Chúng tôi cung cấp các dịch vụ tại chùa Hương
Tour chùa Hương – Tam Chúc hàng ngày  |  Nhà nghỉ  |  Khách sạn
Nhà hàng  |  Đò thuyền  |  Đặt đồ lễ  |  Viết sớ chữ nho

Bài viết liên quan